Ảnh: Hướng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn
Đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn bước đột phá trong kết nối giao thông vận tải Việt – Lào
Đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn là bước đột phá trong kết nối giao thông vận tải Việt – Lào. Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hiện tại, Chính phủ hai nước đã thống nhất về việc xây dựng đường cao tốc theo hướng tuyến đi qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam)/Nậm On (Bô ly khăm xay, Lào). Phương án tuyến này có nhiều lợi thế hơn các phương án kết nối khác về khả năng xây dựng tuyến đường với chiều dài ngắn, thuận lợi để xây dựng với tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chi phí xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của hai nước, kết nối thuận lợi với các cảng biển nước sâu của Việt Nam. Ngoài ra, nếu được đầu tư, tuyến đường sẽ kết hợp với các tuyến đường bộ cao tốc khác của Thái Lan và Myanma tạo thành một hành lang kinh tế mới theo hướng Đông Tây kết nối từ Thái Bình Dương (các cảng biển nước sâu của Việt Nam) sang Ấn Độ Dương (cảng Dawei của Myanma) với khoảng cách khoảng 1.500km (đường biển hiện tại có chiều dài khoảng 5.500km) làm giảm đáng kể chi phí vận doanh cho tuyến vận tải này.
Tổng chiều dài tuyến từ Viêng Chăn đến Hà Nội khoảng 725km. Chiều dài tuyến trên địa phận Lào khoảng 355km được nghiên cứu xây dựng mới, địa phận Việt Nam khoảng 370km (trong đó có 65km từ cửa khẩu Thanh Thủy đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là nghiên cứu xây dựng mới, 305km còn lại phía Việt Nam đã có kế hoạch để đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành trước năm 2022). Toàn tuyến được nghiên cứu theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô hoàn chỉnh 06 làn xe, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h, tại các đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế với vận tốc 80km/h.
Việc hai bên nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Viêng Chăn – Pạc-xăn – Thanh Thủy – Hà Nội không chỉ phù hợp với nội dung Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các hiệp định, biên bản khác giữa hai nước, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội cho cả hai nước.
Tuyến đường sẽ phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào, tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực và thế giới, hình thành tuyến giao thông kết nối theo hướng Đông Tây tối ưu từ trục dọc Bắc Nam của Lào tới các trục dọc Bắc Nam của Việt Nam, từ Thủ đô Viêng Chăn ra biển, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam.
Trên cơ sở hướng tuyến đã được hai Chính phủ thống nhất, hiện tại với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, bước nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được phía Việt Nam phối hợp với phía Lào thực hiện và cơ bản hoàn thành các nội dung chính.
Các nghiên cứu cụ thể về quy mô, phương án phân kỳ đầu tư phù hợp với tầm quan trọng của dự án trong thời gian sắp tới cũng như trong tương lai và khả năng kêu gọi các nguồn vốn đầu tư của hai nước đề xuất giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô 04 làn xe cao tốc, phương án đầu tư của dự án sẽ được cụ thể hóa trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong thời gian tới Chính phủ hai nước sẽ phối hợp tìm kiếm và kêu gọi các nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng tuyến đường.
Có thể nói đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên của Lào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông đặc biệt là xe tải lưu thông để đáp ứng nhu cầu vận tải của hai nước cũng như trong khu vực.
Đồng thời tuyến đường sẽ tạo tiền đề để phát triển mạng lưới đường cao tốc trên địa phận nước CHDCND Lào, kết nối nhanh nhất đến thủ đô các nước Đông Nam Á và tạo thành một trục đường bộ tốc độ cao kết nối các cảng biển của Thái Lan, Myanma đến Lào và Việt Nam thuận lợi nhất. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn của Lào và phía Tây của Việt Nam, và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Về khai thác vận tải qua biên giới, hai bên cam kết tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định, thoả thuận vận tải song phương và đa phương mà hai bên tham gia hoặc ký kết. Đặc biệt sẽ áp dụng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vận tải hai bên liên doanh, liên kết nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phấn đấu đạt chuẩn quốc tế, tăng độ tin cậy và tính cạnh tranh. Trong năm 2017, hai nước phối hợp với Thái Lan hoàn thành thủ tục để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh qua Khăm Muộn đến Nakhonphanom và ngược lại. Hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các giải pháp để Lào khai thác hiệu quả cảng biển của Việt Nam, thu hút tối đa hàng hoá quá cảnh của Lào… Tăng cường việc mở các đường bay đi và đến hai nước…
Về đào tạo nguồn nhân lực, hai nước cũng cam kết tăng cường trao đổi chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Khuyến khích các Cục, Vụ, Viện tăng cường giao lưu, trao đổi chuyên môn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị. Hai Bộ GTVT cũng giao nhóm chuyên viên xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực tổng thể cho Lào trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chương trình giao lưu giữa các thế hệ lão thành và thanh niên sẽ được duy trì với mục đích giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.