Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẳng định mối quan hệ hữu nghị 48 năm qua giữa Việt Nam và Hy Lạp đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hy Lạp đạt hơn 446 triệu USD và hợp tác kinh tế hai nước còn nhiều dư địa để phát triển.
“Với hơn 3.000km đường bờ biển, lại nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề trong lĩnh vực hàng hải”, Thứ trưởng cho biết.
Trong đó, về cơ sở hạ tầng cảng biển, hiện Việt Nam có 34 cảng với tổng công suất thiết kế 750 triệu tấn; hai cảng cửa ngõ nước sâu quốc tế là cảng Hải phòng ở miền Bắc và cảng Cái Mép - Thị Vải ở phía Nam. Các cảng này có thể tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 230.000 DWT. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt hơn 730 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 565 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về vận tải biển, tính đến hết tháng 10/2023, đội tàu vận tải biển mang cờ Việt Nam gần 1.000 tàu, tổng dung tích khoảng 6,7 triệu GT, tổng trọng tải khoảng trên 11 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam hiện nằm trong Danh sách trắng của Tokyo MOU. Đội ngũ thuyền viên Việt Nam hiện nay có trên 62.000 thuyền viên. Hiện Việt Nam có 9 cơ sở đào tạo thuyền viên. Đây là những tiềm năng lớn để Hy Lạp hợp tác với Việt Nam.
“Hy Lạp là quốc gia biển, có nghề truyền thống là vận tải biển từ thời cổ đại và hiện nay vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp, chiếm 6,5% GDP. Hy Lạp có đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 5.200 tàu. Hy Lạp cũng là một trong những thành viên sáng lập IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế) từ năm 1958 và là thành viên Hội đồng IMO Nhóm A trong nhiều năm qua. Từ truyền thống, kinh nghiệm, năng lực vận tải biển của Hy Lạp, chúng tôi đánh giá Hy Lạp là một trong những đối tác quan trọng cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam”, Thứ trưởng Lâm nhận định.
Về các hợp tác cụ thể giữa hai nước, Thứ Trưởng Nguyễn Duy lâm cho biết, 2 bên đã nhiều lần trao đổi bằng công hàm cũng như họp trực tuyến về hai văn bản gồm: Hiệp định Vận tải iển Việt Na – Hy Lạp và Biên bản thoả thuận về công nhận lẫn nhau chứng chỉ thuyền viên theo Công ước STCW ( Công ước quôc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên).
Về các hợp tác cụ thể giữa hai nước, Thứ trưởng Lâm cho biết, hai bên đã nhiều lần trao đổi bằng công hàm cũng như họp trực tuyến về hai văn bản gồm: Hiệp định Vận tải biển Việt Nam - Hy Lạp và Biên bản thỏa thuận về công nhận lẫn nhau chứng chỉ thuyền viên theo Công ước STCW (Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên).
“Về dự thảo Hiệp định vận tải biển Việt Nam - Hy Lạp, hiện việc đàm phán và ký hiệp định này của Hy Lạp cần xin ý kiến của Ủy ban châu Âu EC. Đề nghị phía Hy Lạp sớm có ý kiến với Hội đồng châu Âu để hai bên có thể sớm ký kết hiệp định song phương giữa Việt Nam - Hy Lạp hoặc giữa Việt Nam và khối EU nói chung”, Thứ trưởng đề xuất.
Liên quan đến biên bản thỏa thuận về STCW, Bộ GTVT Việt Nam thống nhất với các nội dung trong dự thảo biên bản này do phía Hy Lạp đề xuất. Thứ trưởng đề nghị hai bên sớm ký kết để tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu của Hy Lạp.
Thứ trưởng cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, theo đó tăng cường hợp tác đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải; đào tạo giảng viên chuyên môn về hàng hải và tiếng Anh hàng hải cũng như hợp tác đưa sinh viên sang học tập ngành hàng hải tại Hy Lạp.
“Mong rằng Hy Lạp xem xét hỗ trợ các thiết bị hàng hải để phục vụ cho công tác giảng dạy, nhất là thiết bị mô phỏng buồng lái và buồng máy. Qua đó, giúp thúc đẩy nguồn cung ứng thuyền viên Việt Nam làm việc trên đội tàu treo cờ Hy Lạp. Được biết đội tàu của Hy Lạp hiện đang hoạt động rộng khắp trên toàn thế giới và có nhu cầu hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ đóng và sửa chữa tàu. Tôi cho rằng đây cũng sẽ là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói, đồng thời đề nghị hai bên khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, đóng tàu của hai bên tăng cường trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.Chào mừng đoàn công tác Bộ GTVT đến thăm, Bộ trưởng Christos Stylianides thống nhất, dư địa hợp tác hai bên trong lĩnh vực hàng hải còn nhiều, cần thúc đẩy hơn nữa.
Về các nội dung đoàn Bộ GTVT Việt Nam đề cập, Bộ trưởng Christos Stylianides cho biết, Hy Lạp đã báo cáo xin ý kiến của Liên minh châu Âu cho phép trao đổi, đàm phán Hiệp định vận tải biển Việt Nam - Hy Lạp, đang chờ phía Liên minh châu Âu trả lời. Về biên bản thỏa thuận Công ước STCW, phía Hy Lạp đang thực hiện các thủ tục bước cuối của việc phê duyệt nội dung và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi sau khi dự phiên họp Đại hội đồng IMO.
Bộ trưởng Christos Stylianides thống nhất với các để xuất tăng cường hợp tác đào tạo thuyền viên giữa hai nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phải có một biên bản thỏa thuận riêng với Bộ Giáo dục của Hy Lạp và trao đổi với Bộ Ngoại giao.
“Tôi tin tưởng hai bên tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến lĩnh vực hàng hải”, Bộ trưởng Christos Stylianides nói.
Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi nhằm thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hy Lạp lĩnh vực hàng hải, nhất là trong vận tải biển, an ninh an toàn hàng hải, giảm khí thải nhà kính...