Hội nghị An toàn phương tiện hàng hải năm 2022: Cơ hội và thách thức của đội tàu Việt Nam

10/10/2022

Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) vừa tổ chức Hội nghị An toàn phương tiện hàng hải năm 2022 tại khu vực phía Bắc.

​Ngày 7/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) tổ chức Hội nghị An toàn phương tiện hàng hải năm 2022 nhằm thông tin về công tác đăng kiểm tàu biển; cập nhật các quy định quốc tế về an toàn, lao động hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm biển;…

Lãnh đạo Cục ĐKVN, các phòng chuyên môn cùng các chủ tàu biển, cơ sở thiết kế tàu biển, doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu biển đã tham dự.

Chính quyền cảng tăng cường kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) sau Covid-19

Theo thống kê tính đến 30/9/2022, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam có hơn 1.250 tàu, tuổi tàu trung bình gần 15,5 tuổi, tổng trọng tải là 10,98 triệu tấn, tổng dung tích là 6,76 triệu GT. Trong đó có 462 tàu chở hàng tổng hợp (36,90%), 167 tàu chở dầu, dầu/ hóa chất (13,35%), 91 tàu chở hàng rời và hàng rời sửa đổi (7,27%), 41 tàu chở container (3,3%), 20 tàu chở khí hóa lỏng (1,6%)…

Hiện số tàu biển hoạt động tuyến quốc tế là 616 tàu với tổng trọng tải là 9,7 triệu tấn. Trong đó có 300 tàu mang lưỡng cấp với tổng trọng tải là 7,2 triệu tấn, tổng dung tích là 4,4 triệu GT.

 

Lãnh đạo Cục ĐKVN, các phòng chuyên môn cùng các chủ tàu biển, cơ sở thiết kế tàu biển, doanh nghiệp...tham dự Hội nghị

Đáng chú ý, sau thời gian hạn chế kiểm tra vì đại dịch Covid-19, các hoạt động kiểm tra nhà nước cảng biển (PSC) đã được tăng cường trở lại thông qua việc ứng dụng các công nghệ kiểm tra từ xa.

Cụ thể, theo ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển (Cục ĐKVN), từ 01/01/2022 đến 30/09/2022, đã có 17 lượt tàu mang cấp Đăng Kiểm Việt Nam bị lưu giữ PSC. Trong đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo-MOU), có 13 lượt tàu treo cờ Việt Nam bị lưu giữ trên tổng số 610 lượt kiểm tra, chiếm 2.13%. Riêng trong tháng 9/2022 tại khu vực Tokyo MOU có 6 lượt tàu bị lưu giữ trên tổng số 78 lượt kiểm tra, chiếm 7,7%.

Các loại tàu bị lưu giữ chủ yếu mắc các khiếm khuyết liên quan đến Giấy chứng nhận về tình hình sức khỏe của thuyền viên, tình trạng kín nước/ kín thời tiết, thiết bị phòng cháy của Hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, ngăn ngừa ô nhiễm theo phụ lục I và hệ thống quản lý an toàn ISM.

Để hạn chế tình trạng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ, Cục ĐKVN đề xuất hàng loạt giải pháp bao gồm: Tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển; Thực hiện kiểm soát quá trình đối với tàu biển đóng mới, hoán cải; Kiểm tra đột xuất tàu biển đang khai thác khi kiểm tra trên đà, định kỳ; Thực hiện đánh giá bổ sung hệ thống quản lý an toàn, đồng thời, thực hiện cấp giấy chứng nhận điện tử cho tàu biển đảm bảo nhanh chóng, chính xác vào đầu năm 2023….

“Trường hợp phát hiện tàu có khiếm khuyết không ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động an toàn và phòng ngừa ô nhiễm của tàu và không thể khắc phục được ngay, đề xuất giao cho đơn vị kiểm tra tàu chủ động tháo gỡ cấp giấy chứng nhận có điều kiện cho tàu và có lộ trình để chủ tàu khắc phục”, đại diện Cục ĐKVN nhấn mạnh.

Luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ đội tàu biển Việt Nam

Cũng tại Hội nghị, các quy định quốc tế mới của IMO, ILO; các QCVN liên quan đã Cục ĐKVN thông tin tới các đại biểu tham dự.

Ngoài ra, Cục ĐKVN cũng đưa ra các hướng dẫn cách tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và các trình tự thẩm định tài liệu và kiểm tra chứng nhận EEXI.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục Trưởng Cục ĐKVN nhận định trong 2 năm qua, đội tàu Việt Nam hoạt động cơ bản an toàn, hiệu quả, không có những vấn đề đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên hiện nay, chính quyền các cảng biển đã tăng cường kiểm tra nên thời gian tới, còn nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra, trong đó có những sửa đổi bổ sung mới về các Công ước lao động hàng hải, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường...

Theo ông Hải, Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2026, đội tàu biển Việt Nam phải đảm đương được 10% thị phần xuất nhập khẩu của Việt Nam và đạt 20% vào năm 2030.

Do đó, Việt Nam cần có những chính sách để hỗ trợ các đội tàu biển. “Dự kiến năm 2025, dự thảo sửa đổi Bộ luật hàng hải Việt Nam sẽ được trình Quốc hội. Hi vọng khi được thông qua, Bộ luật sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn cho ngành vận tải biển phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng hải ở tất cả các khâu, từ khâu thiết kế, đóng mới, quản lý khai thác tàu … đến khâu cắt phá cuối cùng”, ông Hải nói.

Qua đây, ông Hải cũng lưu ý về tình trạng năng lực, thái độ và trách nhiệm của thuyền viên trên tàu, bởi đây là yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến việc kiểm tra PSC mà còn liên quan tới an toàn hàng hải.

Liên quan tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, ông Hải nhấn mạnh các chủ tàu, doanh nghiệp và ngành hàng hải phải chung tay cải tiến công nghệ. “Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ để đội tàu Việt Nam không bị tụt hậu và để ngành đóng tàu Việt Nam phát triển”, ông Hải nhấn mạnh.