Các công ty tái chế pin đang giải quyết bài toán pin xe điện toàn cầu như thế nào?

28/09/2022

Hình thức tái chế pin xe điện đang giúp các công ty tại Hàn Quốc ghi nhận lợi nhuận cao kỉ lục. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường pin xe điện khi giá các loại nguyên liệu liên tục lập đỉnh, đặc biệt là lithium.

Giải bài toán cơn khát pin xe điện

Trong báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2022 (Global EV Outlook 2022), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết gần 10% doanh số bán ô tô trên toàn cầu năm 2021 là xe điện, tăng gấp bốn lần thị phần của năm 2019. Điều này nâng tổng số ô tô điện trên các tuyến đường trên thế giới lên khoảng 16,5 triệu xe, gấp ba lần so số lượng năm 2018.

Nhu cầu xe điện tăng lên nhanh chóng, đồng nghĩa với cuộc đua xe điện của các nhà sản xuất xe đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Họ đang lùng sục khắp thế giới những nguyên liệu sản xuất pin xe điện, chìa khóa quan trọng trong cuộc đua này.

Hàn Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ hơn bao giờ hết. Mới đây, Công ty SungEel HiTEch và đối thủ của mình là Sebit Chem đã ghi nhận giá cổ phiếu tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi họ niêm yết vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. WCP, nhà sản xuất máy tách pin lớn thứ hai của quốc gia này, dự kiến ​​sẽ tiến hành IPO vào cuối tháng này với định giá 432 tỷ Won (tương đương với 306 triệu USD).

Các công ty tái chế ở Hàn Quốc, nơi có 3 trong số 10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới là LG Energy Solution, Samsung SDI và SK On. Họ đang dễ dàng tiếp cận được nguồn phế liệu từ quá trình sản xuất pin và khách hàng mua vật liệu tái chế.

Những thành công bước đầu của các công ty này được thúc đẩy bởi các công ty sản xuất pin trên khắp thế giới đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thách thức các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia về các nguyên liệu chính ản xuất pin xe điện.

Ông Yoon Chang-bae, nhà phân tích của Công ty chứng khoán KB - KB Securities cho biết: “Tái chế pin đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết về mặt an ninh năng lượng. Các nhà sản xuất pin đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo các nguyên liệu chính trong cuộc đua xe điện”.

Các công ty tái chế đã nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang chùng xuống của Hàn Quốc, khi các nhà sản xuất ô tô đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang ô tô xanh.

Ông Yoon Hyuk-jin, một nhà phân tích tại SK Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của những công ty “mỏ vàng” năng lượng này khi giá kim loại đang tăng trở lại, đặc biệt là lithium và doanh số bán xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc.

Được thành lập vào năm 2000, SungEel đã phát triển chuyên môn tái chế của mình trên vô số thiết bị điện tử di động đã qua sử dụng để trở thành một trong những nhà thu gom và xử lý pin lithium-ion cũ và bị lỗi tiên tiến nhất trên thế giới, hiện được cung cấp từ các nhà sản xuất ô tô và pin hàng đầu của đất nước.

Công ty có kế hoạch tăng gấp ba công suất vào năm 2024 bằng cách sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành đầu tiên (IPO). Hiện họ đã có 9 nhà máy tái chế trên khắp thế giới, bao gồm 3 nhà máy ở Hàn Quốc và những nhà máy còn lại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Đông Âu.

Một nhà điều hành của SungEel cho biết: “Nhu cầu tái chế pin đang tăng nhanh trong bối cảnh vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh ngày càng trở nên quan trọng. Chúng tôi cần xây dựng một nhà máy mới trong năm nay để đáp ứng được nhu cầu đang tăng cao kỉ lục.”

Tái chế pin có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm năng và giảm giá các kim loại quan trọng như niken, coban, đồng và lithium bằng cách đưa chúng trở lại chuỗi cung ứng pin, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ các mỏ. Phế liệu để tái chế đến từ quá trình sản xuất tế bào và pin hết tuổi thọ.

SNE Research dự báo thị trường tái chế pin xe điện toàn cầu, ước tính chỉ đạt 400 tỷ Won (tương đương 300 triệu USD) vào năm 2020, sẽ tăng lên 21 nghìn tỷ Won vào năm 2030.


Sự tăng trưởng đến từ đâu?

Sự tăng trưởng dự kiến ​​đó được củng cố bởi EU và Mỹ khi ban hành các biện pháp mạnh mẽ để tăng cường tái chế nhằm đảm bảo nguồn cung cấp các khoáng sản chiến lược. Các dự án khai thác trong nước của họ đều đang vấp phải rào cản về cấp phép khai thác.

Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc đang cố gắng để hưởng lợi từ các ưu đãi có trong gói kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô địa phương tách khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Theo đạo luật này, các nhà sản xuất ô tô nhận được các khoản ưu đãi thuế đối với xe điện nếu một ngưỡng nguyên liệu nhất định có nguồn gốc từ Mỹ, các đối tác thương mại tự do hoặc tái chế. Xe điện có sử dụng khoáng sản và các thành phần từ các tổ chức nước ngoài có liên quan sẽ không còn đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng đó kể từ năm 2025.

Vào tháng 7, SK On đã khởi động một liên doanh trị giá 7,8 tỷ USD với Ford để xây dựng ba nhà máy pin ở Mỹ. Vào tháng 5, Hyundai đã công bố khoản đầu tư 5,5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin và nhà máy xe điện chuyên dụng đầu tiên của mình ở bang Georgia, Mỹ, trong khi LG Energy Solution và GM đã công bố khoản đầu tư 2,6 tỷ USD vào đầu năm nay để xây dựng nhà máy thứ ba như một phần trong kế hoạch của họ.

Các nhà phân tích kỳ vọng các công ty tái chế pin của Hàn Quốc sẽ dần mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài để gần gũi hơn với các nhà sản xuất pin đang xây dựng nhà máy ở phương Tây.

Ông Yoon của SK Securities cho biết: “Sự quan tâm đến các công ty tái chế đã tăng lên khi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung cấp kim loại pin kể từ khi đạo luật IRA được thông qua.

Các công ty tái chế của Hàn Quốc đang phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ phương Tây như Cycle (do Glencore hậu thuẫn), Redwood Materials (được thành lập bởi cựu giám đốc kỹ thuật Tesla JB Straubel) và Neometals của Úc khi họ mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài.

Ông Hans Eric Melin, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Circular Energy Storage, cho biết thành công của người Hàn Quốc nằm ở mối quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất pin và các hoạt động tích cực tìm nguồn cung ứng chất thải để tái chế.

Theo Melin, 2 công ty là SeungEel và Sebit được định giá thấp hơn so với các công ty tái chế pin ở phương Tây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa tỉ lệ nghịch với lợi nhuận. Li-Cycle vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD nhưng đã lỗ 23 triệu đô la ebitda trong quý thứ ba khi quy mô tăng lên, so với mức vốn hóa thị trường của SungEel là 1,2 tỷ đô la vào năm 2021 với lợi nhuận hoạt động là 16,9 tỷ Won. Ông nói: “Tất cả người Mỹ và người Châu Âu đều thua xa SeungEel trong việc xử lý pin để tái chế trong vòng 10 năm.”