Tại sao châu Âu bắt buộc trang bị bộ giới hạn tốc độ trên ô tô?

12/09/2022

Ủy ban châu Âu (EC) kỳ vọng việc đưa vào sử dụng bắt buộc bộ giới hạn tốc độ đối với tất cả ô tô sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông.

120922.18.jpg

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt đồng thuận bắt buộc tất cả mẫu ô tô mới bán ra tại châu Âu từ ngày 6/7/2022 đều phải trang bị bộ giới hạn tốc độ. Ngoài ra, theo quy định, tất cả xe mới đã bán hoặc đặt tại showroom ở châu Âu trước ngày 6/7/2022 cũng phải tích hợp công nghệ Hỗ trợ Tốc độ Thông minh (ISA) trước ngày 7/7/2024. 

Quy định trên áp dụng với xe hơi , xe van, xe tải và xe bus. Bộ giới hạn tốc độ là thiết bị an toàn lắp đặt trong ô tô nhằm đảm bảo phương tiện không vượt quá giới hạn tốc độ do người dùng thiết lập.

Không giống hệ thống kiểm soát hành trình có chức năng duy trì một tốc độ nhất định trong suốt hành trình mà không cần đạp chân ga, bộ giới hạn tốc độ vẫn cho phép lái xe tăng tốc và giảm tốc nhưng đảm bảo phương tiện không chạy qua giới hạn tốc độ đã thiết lập.

Bộ giới hạn tốc độ hoạt động dựa trên công nghệ Hỗ trợ Tốc độ Thông minh (ISA) sử dụng dữ liệu GPS và/hoặc camera nhận diện tín hiệu giao thông để xác định tốc độ tối đa cho phép trong đoạn đường cụ thể. 

Sau đó, hệ thống sẽ tác động đến động cơ để giới hạn tốc độ của phương tiện không vượt quá tốc độ tối đa này. Bộ giới hạn tốc độ sẽ phát cảnh báo rung, hình ảnh, âm thanh cho tới khi lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện trong giới hạn tốc độ.

Nhiều nhà sản xuất ô tô như Citroen, Ford, Honda, Jaguar, Peugeot, Renault and Volvo đã tích hợp công nghệ ISA trong một số mẫu xe của hãng. Hãng Renault Group cũng xác nhận tất cả ô tô Renault và Citroen sắp bán ra thị trường sẽ được trang bị công nghệ giới hạn tốc độ tối đa 180km/h để tăng tính an toàn.


Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ giới hạn tốc độ hiện hành chưa đủ tiên tiến để có thể hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn như camera tích hợp công nghệ nhận diện tín hiệu giao thông đôi khi vẫn mắc lỗi trong thời gian hoạt động hoặc không phát hiện thay đổi về tốc độ. Biển báo giao thông bị che lấp hoặc thiếu biển báo giới hạn tốc độ có thể khiến công nghệ ISA không nhận diện được tín hiệu tốc độ.

Một số lái xe cũng hoài nghi về tính chính xác của công nghệ ISA vì lo ngại gặp phải tình huống hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu trên xe xác định không chính xác rằng xe đã ra khỏi cao tốc trong khi thực tế xe vẫn đang trên cao tốc. Lúc này, nếu hệ thống gửi tín hiệu cho lái xe giảm tốc độ từ 112km/h xuống còn 48km/h thì sẽ là không hợp lý.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu khẳng định lái xe phải là người chịu trách nhiệm tuân thủ luật giao thông và hệ thống ISA chỉ có chức năng hỗ trợ để cảnh báo lái xe khi có thể và thích hợp. Do đó, công nghệ giới hạn tốc độ chỉ có chức năng ngăn chặn thời điểm lái xe mất tập trung có thể dẫn tới tăng tốc độ và lái xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu vượt quá giới hạn tốc độ.

Khối EU kỳ vọng việc đưa vào sử dụng bắt buộc bộ giới hạn tốc độ sẽ giúp giảm tai nạn giao thông. Hội đồng An toàn Giao thông châu Âu - cơ quan thúc đẩy việc bắt buộc trang bị bộ giới hạn tốc độ trên ô tô, kỳ vọng quy định này sẽ giúp giảm 30% số vụ va chạm giao thông tại châu Âu.

Ủy ban châu Âu cũng khẳng định bộ giới hạn tốc độ có thể ngăn chặn 140.000 chấn thương do TNGT đường bộ nghiêm trọng trước năm 2038 và kỳ vọng công nghệ này có thể giúp số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại châu Âu giảm về 0 trước năm 2050.