73 tuổi với mái đầu bạc trắng, “lão học viên” Trịnh Đức Chinh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh, với số điểm cao nhất từ trước tới nay tại khoá đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).
Tấm gương truyền cảm hứng cho sinh viên trẻ
Tới dự buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh khoá 2020-2022 tại ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp học viên tóc bạc Trịnh Đức Chinh; thậm chí ông còn được các bạn sinh viên trẻ “chào nhầm” là “thầy giáo”.
“Lão học viên” càng gây ngạc nhiên khi chọn lĩnh vực “mới lạ” và “rất khó” với đề tài: “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam”.
Ông Trịnh Đức Chinh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ tại trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM
Với chất giọng vang ấm, khúc triết, ông Chinh say mê thuyết trình đề tài nghiên cứu của mình. “Mặc dù hàng không chung đã và đang phát triển từ lâu ở nhiều nước trên thế giới nhưng vì nhiều lý do hàng không chung ờ Việt Nam vẫn chưa được phát triển. Dựa vào dữ liệu được thu thập từ 308 quan sát nhân viên tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 26: thống kê mô tả, kiểm tra thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá, phân tích tương quan và hồi quy. Kết quả, tác giả đã chỉ ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam , qua đó đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm phát triển hàng không chung ở Việt Nam”.
Kết thúc phần trình bày, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng chủ tịch hội đồng đánh giá luận văn nhận định: “Đây là đề tài mới và khó, rất ít nghiên cứu tại Việt Nam, đòi hỏi học viên phải rất nỗ lực ngay từ việc tìm kiếm tài liệu, thông tin tham khảo. Tuy nhiên, học viên Trịnh Đức Chinh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và mục tiêu đề tài đặt ra. Bản thân tôi cũng cảm thấy khâm phục những nỗ lực của học viên lớn tuổi như anh”.
Kết quả, hội đồng đánh giá đề tài của học viên Trịnh Đức Chinh đạt 9 điểm. Đây cũng là số điểm cao nhất trong các kỳ bảo vệ luận văn thạc sỹ từ trước tới nay tại trường UEF.
Nhận xét về học viên đặc biệt, ông Trương Quang Dũng, Viện trưởng sau Đại học và Khoa học công nghệ của UEF cho biết: “Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn đón nhận một số học viên 50-60 tuổi theo học, còn trường hợp hơn 70 tuổi như anh Trịnh Đức Chinh thì lần đầu tiên mới thấy. Dù lớn tuổi nhưng anh luôn là một học viên chăm chỉ, gương mẫu luôn luôn có thái độ học tập tích cực. Với những chuyên ngành, vị trí việc làm đã kinh qua, anh cũng là một học viên vừa có nền tảng kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiên, xứng đáng là tấm gương truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi luôn lấy anh là hình mẫu của trường trong các kỳ tuyển sinh gần đây”.
Với đề tài "Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam", ông Trịnh Đức Chinh đạt số điểm cao nhất của khoá đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh (UEF)
Học để cân bằng cuộc sống, rèn luyện sức khoẻ
Ông Trịnh Đức Chinh sinh năm 1950 từng tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vô tuyến điện tại Ba Lan vào năm 1975. Từ 1976, ông về nước công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, cùng thế hệ đầu tiên xây dựng nền móng cho hoạt động đăng kiểm từ những ngày còn non trẻ.
Vừa làm vừa tiếp tục theo học trường ĐH Hàng Hải, ông Chinh đã tốt nghiệp ngành Vỏ tàu thủy khoá 1982-1987. Trước khi nghỉ hưu từ 2010, ông Chinh là Phó Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách phía Nam, kiêm Giám đốc Chi Cục Đăng Kiểm số 6.
Những tưởng thời gian nghỉ hưu sẽ dành thời gian vui thú điền viên bên con cháu nhưng ông lại quyết định tiếp tục tham gia học thêm 2 bằng đại học chuyên ngành Kế toán tài chính (2012-2015) và chuyên ngành Luật (2016-2019).
Kể về con đường học tập chưa có hồi kết của mình, ông Trịnh Đức Chinh cho hay, từng là “dân kỹ thuật” sau đó đảm nhận vị trí quản lý, càng về sau ông càng có nhu cầu được nạp thêm kiến thức để hoàn thiện, phát triển bản thân.
“Học để làm gương cho con cháu trong nhà nhưng cũng là để lấy lại sự cân bằng, mang lại niềm vui và sức khoẻ từ cuộc sống”, ông Chinh nói và chia sẻ: “Trong góc nhìn của người về hưu như tôi, không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội. Có câu danh ngôn: "Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng". Vì thế học sẽ không bao giờ là đủ và học tập là một việc vô cùng cần thiết đối với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay. Học là để trưởng thành, để hoà nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với những tiến bộ khoa học”.