Trung Quốc tiến tới mô hình 1 xe ô tô điện có 1 trụ sạc

08/08/2022

Nhờ các chính sách khuyến khích ô tô điện, số lượng trạm sạc tại Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh, tạo sự thuận lợi cho người dân.

080822.10.png

Tăng trưởng số điểm sạc xe điện tại Trung Quốc qua từng năm. (Nguồn: Counterpoint)​

Chính sách khuyến khích xe điện và ưu đãi đầu tư cho ngành này đang khiến tốc độ phát triển xe ô tô điện tại Trung Quốc tăng mạnh. Cùng với đó, số trạm sạc dành cho xe điện ngày một nhiều, dự báo có thể đạt tỷ lệ 1 xe ô tô điện sẽ có 1 trụ sạc.

Hiện tại, số điểm sạc cho xe điện (electric vehicle - EV) của Trung Quốc tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021, theo công cụ theo dõi điểm sạc và xe điện mới nhất của Counterpoint Research. Số điểm sạc sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 do đất nước tỷ dân đang ưu tiên ổn định kinh tế, dẫn đến việc tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến hết năm nay, số lượng điểm sạc tại quốc gia này sẽ tăng 58% so với năm ngoái.

Bắt đầu từ nửa cuối năm 2020, doanh số bán xe chạy bằng năng lượng mới (NEV) ở Trung Quốc đã tăng nhanh nhờ chính phủ khuyến khích nâng doanh số NEV lên tương đương 20% tổng doanh số xe hơi vào năm 2025. 

Trên thực tế, mục tiêu 20% đã đạt được sớm hơn dự định. Vào năm 2021, doanh số NEV của Trung Quốc đã tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, với tỷ lệ điểm sạc trên mỗi xe đạt khoảng 3, nghĩa là cứ 3 xe điện thì có 1 trụ sạc. 

Bình luận về việc thiết lập các điểm sạc xe điện ở Trung Quốc, Nhà phân tích cấp cao Ivan Lam của Couterpoint cho biết, để phát triển ngành xe điện thì số lượng điểm sạc đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Các phương tiện ô tô truyền thống có mạng lưới tiếp nhiên liệu được thiết lập tốt, chỉ mất vài phút cho người dùng đổ xăng, thêm dầu và có thể mang theo thùng xăng nhỏ khi đi đường dài.

080822.11.png

Tỷ lệ sở hữu các trạm sạc tại Trung Quốc: 75% của bên thứ 3, 20% công ty nhà nước, 5% của các hãng xe. (Nguồn: Counterpoint)

 Còn ô tô điện mất nhiều thời gian hơn để sạc: 1-2 tiếng đồng hồ ngay cả khi sử dụng bộ sạc nhanh. “Với chính sách hiện tại của Trung Quốc, thị trường có nhiều khả năng đạt tỷ lệ gần 1: 1 giữa phương tiện và điểm sạc”, ông Ivan Lai dự báo.

Hiện tại, các bên thứ ba đóng vai trò chủ đạo trên thị trường cung cấp điểm sạc, chiếm 75% số điểm sạc công cộng. Những công ty nhà nước chiếm khoảng 20% số điểm sạc và các hãng ô tô chiếm phần còn lại. 

Dù phát triển mạnh song nhà phân tích Alicia Gong đánh giá thị trường điểm sạc của Trung Quốc còn rất phân mảnh. Nhiều nhà cung cấp đã nhảy vào ngành này với kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai. Tuy vậy, thị trường sẽ thực sự bùng nổ khi có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước. 

Năm 2021, Starcharge, TELD và State Grid lần lượt là ba nhà khai thác hàng đầu tại Trung Quốc. Cả 3 doanh nghiệp cùng nhau chiếm 62% thị phần.

Để xây dựng các trạm sạc điện, các doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu rất lớn bao gồm: mặt bằng (thuê hoặc mua), xây dựng trạm, tích hợp giải pháp sạc, bảo trì và kết nối điện. Do đó, các doanh nghiệp cần có nguồn vốn dự phòng lớn và vững chắc để phát triển dài hạn. 

080822.12.png

Thị phần trạm sạc của các công ty tại Trung Quốc. (Nguồn: Counterpoint)

Chính vì lẽ đó, một số doanh nghiệp đứng đầu thị trường này vài năm trước đã rời khỏi danh sách. Với mức đầu tư lớn, các doanh nghiệp nhà nước sẽ có ưu thế nhất định.

Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm 25%. Nước này dự kiến đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030, song họ đang có những kế hoạch mạnh mẽ để đạt mức khí thải carbon bằng 0 vào năm 2060. 

Vào năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chính sách “hai carbon” (double carbon, two carbon), gồm thúc đẩy năng lượng sạch và giảm thiểu sử dụng carbon. Chính sách được áp dụng mạnh mẽ trên nhiều ngành và chính phủ tung ra nhiều gói trợ cấp cho hầu hết các lĩnh vực liên quan. 

Counterpoint nhận định thị trường điểm sạc EV của Trung Quốc dự kiến ​ tăng với tốc độ hàng năm (CAGR) là 42% từ 2022 đến 2026 do doanh số bán hàng NEV trong nước tăng mạnh.