Phần lớn cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy nằm ven sông và khó khăn trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục về đất đai - Ảnh minh họa
Vướng mắc về đất đai gây đình trệ
Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy của doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) phải tạm nghỉ để đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch. Cùng đó, hiện cơ sở này cũng thêm khó vì chưa hoàn thiện được hồ sơ, thủ tục đất đai dẫn đến chưa được cơ quan đăng kiểm xác nhận về năng lực kỹ thuật của cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy.
Điều này khiến cơ sở không thể nhận đóng mới hoặc sửa chữa lớn phương tiện thủy (trường hợp phải có giám sát của cơ quan đăng kiểm), khiến cả cơ sở, chủ phương tiện gặp khó khăn. Trong khi đó, do quy định chung, đơn vị đăng kiểm dù muốn cũng không thể giám sát, cấp chứng nhận kiểm định cho phương tiện.
Vì vậy, chủ cơ sở này vui mừng khi biết sắp tới các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy không còn phải đáp ứng ngay các điều kiện về hồ sơ, thủ tục đất đai. “Cơ sở đóng tàu nằm ở bờ sông, bãi sú và liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nên việc hoàn thiện được hồ sơ, thủ tục đất đai cần quá trình rất dài. Việc sửa đổi quy định trên là phù hợp thực tế, giúp tháo gỡ khó khăn để các cơ sở duy trì hoạt động”, ông Vinh, đại diện cơ sở đóng tàu trên cho biết.
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15 và lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm thủy phía Bắc khác cho biết thêm, vướng mắc như trên xảy ra đối với nhiều cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các địa phương.
“Khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đất đai còn khiến cơ sở còn không hoàn thiện được thủ tục mở cảng, bến thủy. Thế nên các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy đang gặp vướng mắc này đều phấn khởi khi quy định mới được ban hành”, ông Đức chia sẻ.
Từ thực tế tại Khánh Hòa, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 cũng cho biết, từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động vận tải thủy và du lịch bằng phương tiện thủy sôi động trở lại, nhu cầu đóng, sửa chữa phương tiện thủy trên địa bàn tăng lên.
Tuy vậy, khó khăn là hiện mới có 5 cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của quy chuẩn, còn hàng loạt cơ sở khác chưa được xác nhận năng lực do chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, thủ tục mở bến thủy.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp vận tải, do cung - cầu mất cân đối nên xảy ra một số trường hợp cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy nâng giá dịch vụ kéo tàu lên đà, sửa chữa và lưu bến bãi. Dù vậy, đơn vị đăng kiểm cũng không thể can thiệp do chỉ được giám sát, kiểm định phương tiện tại các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy được xác nhận đủ năng lực.
"Quy định mới trên giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả cơ sở đóng, sửa chữa và doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện thủy trên địa bàn", theo ông Khánh.
Tới đây, cơ sở đóng tàu đáp ứng năng lực, tiêu chí về kỹ thuật đóng, sửa chữa phương tiện thủy được tiếp tục hoạt động - Ảnh minh họa
Quản lý phù hợp với thực tiễn
Ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 15/2022 (có hiệu lực từ 17/1/2023) sửa đổi, bổ sung QCVN 89: 2015/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa).
Theo đó, cơ sở đóng tàu không cần phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai theo quy định hiện hành; thay vào đó, cơ sở có đất đi thuê hoặc đất được phép sử dụng hợp pháp tiếp tục được hoạt động. Quy định mới cũng bỏ yêu cầu về đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đối với cơ sở.
Nguyên nhân, theo quy chuẩn hiện hành, cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy nội địa (áp dụng từ năm 2021), cơ sở phải đáp ứng đủ các tiêu chí mới được xác nhận năng lực đóng, sửa chữa phương tiện. Đơn vị đăng kiểm cũng chỉ kiểm tra, cấp chứng nhận đăng kiểm đối với phương tiện được đóng, sửa chữa tại cơ sở được công nhận.
Mục đích nhằm chuẩn hóa, nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy, góp phần nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy.
Các cơ sở có lộ trình vài năm để các cơ sở đã hoạt động trước đó có thời gian đầu tư, bổ sung, hoàn thiện các thủ tục. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy nhiều cơ sở dù đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực kỹ thuật đóng, sửa chữa phương tiện thủy nhưng gặp vướng mắc, khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về thủ tục đất đai, mở cảng, thủy và phòng cháy chữa cháy…
Trong khi, các điều kiện trên thuộc phạm vi, thẩm quyền của các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác. Do đó, việc sửa đổi quy chuẩn theo hướng tập trung các điều kiện về năng lực kỹ thuật của cơ sở đóng tàu để phù hợp với thực tiễn.
“Với quy định mới, trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục theo quy định pháp luật về đất đai, cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy đáp ứng yêu cầu năng lực về mặt kỹ thuật đóng, sửa chữa phương tiện thủy tiếp tục được hoạt động.
Các điều kiện khác như về đất đai, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan sẽ do cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện, cũng như thuộc trách nhiệm hoàn thiện của chủ cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện”, ông Hưng cho biết.
“Trong thời gian chờ quy chuẩn sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành, Cục Đăng kiểm VN tổ chức phổ biến, hướng dẫn để các chủ cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy biết.
Trường hợp trên địa bàn có nhu cầu lớn về đóng, sửa chữa phương tiện mà hệ thống cơ sở tại chỗ không đủ đáp ứng, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất giải pháp để đảm bảo đáp ứng đủ năng lực đóng, sửa chữa phương tiện thủy trên địa bàn”, ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN.