Ảnh minh họa
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về:
1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
2. Mã hàng hóa (HS) đối với Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiết kế, thi công, xây dựng các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
2. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải
1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau:
a) Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi thông quan;
b) Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
2. Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau:
a) Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại mục E Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng dưới 100 sản phẩm, hàng hóa cùng kiểu loại trong một lô hàng thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
c) Thời điểm chứng nhận hoặc công bố hợp quy tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện sau khi sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được thông quan và trước khi đưa ra thị trường; d) Sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
3. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nguyên tắc áp dụng
1. Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phải được đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
2. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa chỉ thể hiện mã HS 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm mã 4 số được áp dụng nếu phù hợp với tên gọi nêu trong Giấy chứng nhận chất lượng.
3. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa chỉ thể hiện mã HS 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm mã 6 số được áp dụng nếu phù hợp với tên gọi nêu trong Giấy chứng nhận chất lượng.
4. Trường hợp mã HS quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này khác với mã HS trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành thì áp dụng theo mã HS do Bộ Tài chính ban hành.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 và thay thế Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
2. Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu có ngày cập cảng, về đến cửa khẩu hoặc ngày mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan; sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp có ngày xuất xưởng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được viện dẫn trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Triển khai thực hiện Thông tư này;
b) Rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình;
c) Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải để xem xét sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nội dung chi tiết Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT xem tại đây.